Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân:

Tập trung kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, bảo đảm sự an toàn của hệ thống y tế

Tập trung kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, bảo đảm sự an toàn của hệ thống y tế
Theo Bí thư Thành ủy Tp HCM Nguyễn Thiện Nhân, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu, khiến hệ thống y tế nhiều quốc gia bị quá tải. Điển hình như tại Tây Ban Nha, Ý, ... Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp bác sĩ nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Do đó, bài học cho Thành phố Hồ Chí Minh là phải tập trung kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng để không vượt quá khả năng của hệ thống y tế; cần đảm bảo sự an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. 
Bệnh viện dã chiến được xây dựng tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Đinh Hằng
Bệnh viện dã chiến được xây dựng tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Đinh Hằng

Từ bài học của ổ dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại quy trình chăm sóc bệnh nhân và hoạt động của nhân viên trong bệnh viện, không để cán bộ y tế, nhân viên phục vụ tại khoa nhiễm đi sang các khoa khác, tránh lây nhiễm chéo khi có ổ dịch. Ngoài ra, Sở Y tế Thành phố hỗ trợ các cơ sở y tế xây dựng phương án, tổ chức ca trực hợp lý cho các bác sỹ tham gia chống dịch COVID-19, tránh tình trạng để các bác sỹ tham gia chống dịch không có thời gian nghỉ ngơi”, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
 
Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần này, Thành phố có gần 5.000 trường hợp và những tuần tiếp theo sẽ có thêm hàng nghìn người hết thời gian cách ly tập trung. Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVD-19 Thành phố điều phối nhân viên y tế chuẩn bị việc kiểm tra tình trạng sức khỏe cho người hoàn thành cách ly tập trung; phân công Sở Giao thông Vận tải lên phương án giải tỏa, đưa những người này về nơi cư trú an toàn.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, cơ quan, đơn vị và người dân Thành phố cần tận dụng tối đa khoảng thời gian từ nay đến giữa tháng 4, để khoanh vùng và khống chế sự lây lan dịch COVID-19 hiệu quả theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị dừng ngay các cuộc họp không cần thiết, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và dịch vụ chuyển phát bưu điện, từ ngày 1/4 dừng hẳn việc nhận hồ sơ hành chính trực tiếp. Các quận, huyện chưa có ca mắc COVID-19 không được lơ là trong công tác phòng chống dịch, phải xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, không chấp hành yêu cầu cách ly hoặc có hành vi cản trở, đưa thông tin xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
 
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát các đối tượng là người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn Thành phố để hỗ trợ nơi luu trú, khám và theo dõi sức khỏe, cũng như đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời cho những người làm nghề bán vé số bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng phát hành sổ số kiến thiết trong hai tuần tới.

Các quận, huyện huy động lực lượng tại chỗ, hỗ trợ các hộ là người già neo đơn trong việc mua sắm và vận chuyển nhu yếu phẩm, đảm bảo người trên 60 tuổi được ở nhà toàn thời gian. Ông Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Công Thương đảm bảo nguồn cung hàng hóa, thực phẩm tại tất cả các kênh phân phối, tiêu thụ đến đâu, lấp đầy đến đó, không để thiếu hụt thực phẩm trong mọi trường hợp, tránh tình trạng khan hiếm hàng khiến người dân đổ xô ra chợ, siêu thị mua hàng tích trữ.
 
Sở Y tế Thành phố cần nhanh chóng rà soát quy trình tiếp nhận, sàng lọc và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đảm bảo sự an toàn cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy và đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia phòng chống dịch”, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
 
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng báo cáo công tác xử lý các ổ dịch nguy cơ cao như quán bar Buddha, nhóm người Hồi giáo ở Quận 8 và nhóm tham dự lễ tang cùng bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bình Chánh.

Cụ thể, đối với quán bar Buddha, đã điều tra dịch tễ mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố, tiếp cận được 222 người có mặt trực tiếp tại quán bar để cách ly và xét nghiệm, lấy mẫu 196 trường hợp, trong đó 166 trường hợp âm tính; 11 trường hợp dương tính là các bệnh nhân 91, 97, 98, 120, 124, 125,126, 127, 157,158, 159 và 19 trường hợp đang đợi kết quả xét nghiệm.

Từ các trường hợp dương tính đã xác định thêm 2.953 người tiếp xúc hoặc có liên quan để tổ chức cách ly và xét nghiệm, phát hiện thêm 4 trường hợp dương tính là bệnh nhân số 151 (F2), 152 (F2) và 2 bệnh nhân đang chờ công bố; có 505 xét nghiệm âm tính và 2.435 mẫu đang chờ kết quả. Thành phố vẫn tiếp tục mở rộng việc điều tra dịch tễ ổ dịch này.
 
Đối với nhóm người Hồi giáo ở Quận 8, đã lấy 306 mẫu xét nghiệm bao gồm những người tiếp xúc gần và những người cùng đi lễ tại Thánh đường trong vùng, tất cả cho kết quả âm tính. Có 176 người được cách ly tập trung tại Khu cách ly Đại học Quốc gia, 122 người cách ly tại nhà. Từ 15/3 đến nay, không phát hiện thêm ca bệnh mới.
 
Đối với nhóm tham dự lễ tang cùng bệnh nhân mắc COVID-19 ở huyện Bình Chánh, đã lấy 179 mẫu xét nghiệm trong đó 86 mẫu âm tính (gồm những người tiếp xúc gần trong gia đình, 56 nhân viên y tế bệnh viện Bình Chánh đến viếng đám tang nhà bệnh nhân, 8 nhân viên y tế khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Bình Dân), còn 93 mẫu đang chờ kết quả (gồm những khách dự đám tang). Hiện tại, những người tiếp xúc gần đang được cách ly tập trung. Từ 23/3 đến nay không phát hiện ca bệnh mới.
 
Như vậy, tính đến 15 giờ ngày 30/3, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 49 trường hợp mắc COVID-19 (bao gồm 4 ca đợi Bộ Y tế công bố), trong đó có 10 ca đã được điều trị khỏi, 5 ca cho kết quả âm tính lần 2 và 34 ca đang được theo đõi điều trị tại các bệnh viện./.
 Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm