Khởi sắc nông thôn mới vùng căn cứ cách mạng KBang

Khởi sắc nông thôn mới vùng căn cứ cách mạng KBang
Thu hoạch mía toàn bộ bằng cơ giới hóa trên cánh đồng mía mẫu lớn của bà con người Bahnar làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN
Thu hoạch mía toàn bộ bằng cơ giới hóa trên cánh đồng mía mẫu lớn của bà con người Bahnar làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến với vùng đất khó KBang đã tiếp thêm sức mạnh để địa phương tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng, kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cụ thể, 10 năm qua, huyện KBang đã huy động gần 5.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân.

Theo đó, gần 430 km đường giao thông được cứng hóa; 34 công trình thủy lợi, hồ chứa các loại được nâng cấp đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 80% diện tích sản xuất; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 98%; hơn 68% cơ sở dạy học được đầu tư đạt chuẩn khắc phục tình trạng thiếu phòng học, không còn phòng học tạm bợ, tranh tre, nứa lá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52% năm 2010 xuống còn dưới 8% năm 2019, thu nhập bình quân đầu người từ 10 triệu đồng/người năm 2010 hiện đã tăng hơn 35 triệu đồng/người;…

Là 1 trong 5 làng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, làng Hà Đừng, xã Đăk Rong được huyện KBang tập trung nguồn lực quy hoạch, sắp xếp lại khu dân cư và tái cơ cấu lại sản xuất theo mô hình nông thôn mới. Qua hơn 8 tháng triển khai, 111 ngôi nhà đã được xây mới cho các hộ nghèo, các đơn vị quân đội và dân làng đóng góp hơn 8.000 ngày công di dời nhà bếp, làm nhà vệ sinh, giao thông nội làng, thủy lợi, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt,… hứa hẹn một cuộc sống mới đầy đủ, ấm no và hạnh phúc.

Ông Đinh Văn Chui, thôn trưởng làng Hà Đừng, xã Đăk Rong vui mừng chia sẻ, năm mới được về ở nhà mới, bà con rất phấn khởi. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ chuyển đổi 40 ha cây mắc ca, cải tạo 20 ha lúa nước nên dân làng rất yên tâm, thời gian tới chỉ tập trung sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện KBang đã định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với nhu cầu thị trường nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, đã có trên 900 ha đất kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả các loại như: cam,quýt, chuối, ổi, nhãn, vải, mít, sầu riêng, bơ, xoài,… mang lại thu nhập cao cho người dân.

Anh Nguyễn Đức Mạnh trú tại thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang cho biết: Gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi 2,2 ha đất kém hiệu quả sang trồng cam và quýt theo mô hình hữu cơ an toàn. Hiện toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình đều phát triển rất tốt, đã cho trái bói năm đầu, hy vọng sẽ có thu nhập cao.

Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, huyện Kbang còn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho nhiều giá trị lịch sử, danh lam thắng cảnh hùng vỹ. Đến nay, địa phương đã hoàn thành tuyến đường từ đường Trường Sơn Đông đi trung tâm xã Krong; đường vào Khu di tích lịch sử Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu; đường vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng; đường trục xã Đak Rong đi làng Kon Bông (vào thác Kon Bông); đường vào xã Kon Pne; đường vào thác Hang Dơi (thị trấn Kbang);… Đây chính là điều kiện thuận lợi để KBang kêu gọi đầu tư, khai thác các điểm du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển toàn diện.

Phó chủ tịch huyện KBang Phạm Xuân Trường cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, địa phương xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và lồng ghép tổng hợp các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế theo phương châm phục vụ lợi ích của nhân dân. Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay địa phương đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp uy tín về liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần cải thiện cơ bản đời sống của nhân dân.

Cụ thể, địa phương đã liên kết với Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh, Nhà máy đường An Khê, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Nguyễn Quang, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang,… sản xuất và bao tiêu hàng chục nghìn ha mắc ca, cây dược liệu, cây ăn quả, mía, mỳ, dâu tơ tằm,… trên địa bàn.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cộng với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã tạo nên khí thế tích cực trong phát triển kinh tế và xây dựng bộ mặt nông thôn. Nhờ đó, năm 2019, KBang đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 380 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2018); thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 940 tỷ đồng, (vượt 4% kế hoạch); tổng thu ngân sách đạt gần 620 tỷ đồng (vượt hơn 56% Nghị quyết, tăng 20,5% so với năm 2018);…

Qua chặng đường gần 10 năm xây dựng nông thôn mới với tinh thần chung sức đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, đã kết tinh nên một KBang anh hùng khởi sắc. Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, những mái nhà đỏ tươi san sát, trập trùng hiện hữu cả một vùng, bên những con đường thông thoáng, sạch đẹp hứa hẹn một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, đủ đầy đang đến với người dân vùng căn cứ cách mạng KBang.
Nguyễn Hoài Nam

Có thể bạn quan tâm