Huyện vùng sâu Vĩnh Thuận tăng tốc về đích nông thôn mới

Huyện vùng sâu Vĩnh Thuận tăng tốc về đích nông thôn mới
Đường bê tông, nhà ở khang trang ở ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
 Đường bê tông, nhà ở khang trang ở ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận.
Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận cho hay, Vĩnh Thuận phấn đấu quyết liệt hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết của Huyện ủy về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch của UBND huyện về xây dựng huyện Vĩnh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Huyện tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện gắn với chế biến và tiêu thụ; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội. Huyện tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa.

Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, huyện huy động nguồn vốn hơn 1.700 tỷ đồng. Theo đó, đầu tư giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đến nay, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo xe ô tô đi lại thuận tiện; hơn 76% đường trục ấp, liên ấp và trên 81% đường ngõ xóm cứng hóa, đi lại dễ dàng.
 
Tiếp đến, huyện đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng sản xuất đồng bộ gắn với phát triển giao thông, công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng các cống điều tiết nước, kiểm soát xâm nhập mặn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất. Huyện cải tạo, nâng cấp hệ thống điện liên xã đồng bộ phục vụ điện sinh hoạt, sản xuất cho khoảng 19.950 hộ, đạt tỷ lệ hơn 99% so với số hộ dân toàn huyện.

Cùng với đó, Vĩnh Thuận hoàn thiện hệ thống trường, lớp học, nâng lên chất lượng giáo dục, tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới. Toàn huyện có 28/28 trường từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, được công nhận trường xanh - sạch - đẹp, phục vụ tốt nhu cầu dạy và học.

Ngoài ra, những lĩnh vực khác được đầu tư xây dựng, nâng cấp như: Nhà văn hóa xã, ấp; các điểm chợ, thông tin truyền thông, y tế, đời sống văn hóa nông thôn, môi trường xanh - sạch - đẹp, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điểm nhấn ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Thuận là các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện như: Tôm, lúa, hoa màu. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả như: Dưa lê, tôm càng xanh, cua biển, cua đinh…
 
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở, xã Vĩnh Bình Bắc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVNMô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở, xã Vĩnh Bình Bắc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Ông Huỳnh Xuân Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân tăng cao, diện mạo xóm ấp nông thôn thật sự đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ nét. Huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có thu nhập từ 130 - 300 triệu đồng/ha, cao nhất là mô hình nuôi thủy sản kết hợp, mô hình 2 lúa - 1 màu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 46,8 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 3% hiện nay”.

Kết quả 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Thuận có nhiều tiến bộ, đạt nhiều kết quả đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Diện mạo nông thôn ở các xã trên địa bàn thay đổi, đời sống nhân dân cải thiện, nâng lên, môi trường xanh - sạch - đẹp, nhiều công trình xây dựng đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận: “Vĩnh Thuận quyết tâm đạt huyện nông thôn mới năm 2020. Sau đó, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người trên năm ở khu vực nông thôn đạt từ 60 - 70 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%".

Huyện Vĩnh Thuận tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn ấp; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Huyện tập trung xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yều cầu phát triển.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của huyện khoảng 920 tỷ đồng.

Cùng với đó, Vĩnh Thuận kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, với 8 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Các dự án gồm: Nuôi tôm công nghệ cao 200 ha tại Khu quy hoạch nuôi tôm công nghiệp xã Vĩnh Phong; nuôi tôm càng xanh VietGAP 100 ha tại Hợp tác xã Nuôi trồng - Dịch vụ thủy sản Cái Chanh, xã Phong Đông; đầu tư mới cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung công nghiệp 5.000 m² tại thị trấn Vĩnh Thuận, dự kiến vốn đầu tư 5 - 6 tỷ đồng; xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản thủy sản tại thị trấn Vĩnh Thuận, với kho lạnh 300 m², 2 máy cấp đông, dự kiến vốn đầu tư 30 tỷ đồng.

Dự án sản xuất dưa lê hoàng kim công nghệ cao VietGAP 30 ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, dự kiến vốn đầu tư 30 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp mở rộng nhà máy chế biến, bảo quản thủy sản tại Công ty cổ phần thủy sản Vinh Cường, xã Vĩnh Phong, bao gồm: xây mới kho cấp đông, nâng cấp, mở rộng nhà máy và trang thiết bị chuyên dùng, dự kiến vốn đầu tư 40 - 50 tỷ đồng; nuôi tôm công nghệ cao 10 ha tại xã Phong Đông, dự kiến vốn đầu tư 28 tỷ đồng; sản xuất lúa hữu cơ, tôm hữu cơ 100 ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong, dự kiến vốn đầu tư 30 tỷ đồng./.
Lê Huy Hải
TTXVN

Có thể bạn quan tâm