Xuân về trên vùng tôm - lúa Sóc Trăng

Xuân về trên vùng tôm - lúa Sóc Trăng
Mô hình trồng lúa trên ao tôm được xác định hiệu quả và bền vững. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Mô hình trồng lúa trên ao tôm được xác định hiệu quả và bền vững.
Ảnh: baosoctrang.org.vn

Dù cận Tết nhưng ngày nào ông Trần Văn Tiến ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cũng ra thăm đồng. Bởi lẽ, chỉ vài hôm nữa, gia đình ông sẽ thu hoạch vụ lúa ST24, sau đó là lứa tôm càng xanh thả trong ruộng. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cây lúa, con tôm đều phát triển tốt trên diện tích đất 4.000 m2 của gia đình. Theo tính toán của ông, vụ lúa này, ông thu về khoảng 500kg/1.000m2; tôm càng xanh sẽ được gia đình thu hoạch sau Tết. 

Không riêng ông Trần Văn Tiến, các hộ dân ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 đã gắn bó với mô hình tôm - lúa từ hàng chục năm qua. Nhờ mô hình tôm - lúa, nhiều hộ dân ở địa phương luôn có thu nhập ổn định. Ông Trần Văn Tiến chia sẻ: Ở ấp Hòa Đê, người dân đều xác định là làm 1 vụ tôm, 1 vụ lúa. Mỗi năm, khi làm lúa xong, người dân mới thả tôm, thu hoạch tôm xong lại chuyển qua trồng lúa.

Với sự linh hoạt của mình, nông dân vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên cứ thuận theo tự nhiên mà sản xuất và phát triển kinh tế hộ gia đình. Mùa khô, khi độ mặn lên cao, người dân sẽ đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Đến khi mưa xuống, nước bắt đầu trở ngọt, nông dân tại các xã như Hòa Tú 1, Ngọc Đông, Ngọc Tố, Gia Hòa 1, Thạnh Quới… alij canh tác lúa. Cứ như vậy, mô hình tôm - lúa trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên được duy trì, phát triển cũng như khẳng định sự hiệu quả, tính ưu việt cho đến ngày nay.

Ông Tạ Minh Bạch, ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 cho biết, gia đình ông luôn duy trì mô hình tôm - lúa trên diện tích hơn 6.000 m2. Ông Bạch nhận định, đây là mô hình sản xuất bền vững, nhất là trước những thách thức của biến đổi khí hậu như hiện nay.

Vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên đã được hình thành, phát triển hơn 20 năm qua. Toàn huyện hiện có khoảng 10.000 ha đất được người dân duy trì sản xuất hàng năm. Mỗi năm, người dân sẽ nuôi một hoặc hai vụ tôm rồi làm lại một vụ lúa. Để tăng lợi nhuận, giá trị của mô hình tôm - lúa, nông dân Mỹ Xuyên đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế và hướng đến loại bỏ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác; đồng thời đưa những giống lúa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. 

Năm nay, người dân Mỹ Xuyên lại bội thu vụ tôm nước lợ. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Năm nay, người dân Mỹ Xuyên lại bội thu vụ tôm nước lợ.
Ảnh: baosoctrang.org.vn

Đến nay, địa bàn huyện đã có hai hợp tác xã nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP; khoảng 60 ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ. Dòng lúa ST24, ST25 được trồng trên vùng tôm - lúa luôn có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2019, khi gạo ST25 của Sóc Trăng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, các loại gạo ST được trồng trên vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên ngày càng khẳng định vị thế về chất lượng.

Theo ông Tăng Thanh Chí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, mô hình tôm - lúa rất thân thiện với môi trường. Sau vụ tôm, nông dân trồng lại lúa, chất thải của tôm sẽ là nguồn dưỡng chất tốt để cho cây lúa sinh trưởng. Ngược lại, cây lúa sẽ làm sạch môi trường ao nuôi tôm, góp phần cho vụ tôm năm sau dễ thành công hơn. Ngoài ra, khi luân canh tôm - lúa sẽ giúp cắt đứt mầm bệnh trên ao nuôi tôm, giúp việc trồng lúa và nuôi tôm ít phát sinh mầm bệnh, chi phí đầu tư ít hơn, hiệu quả cao hơn.

Sản lượng tôm nuôi của huyện Mỹ Xuyên không ngừng tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2015 chỉ là hơn 30.000 tấn, đến năm 2018 đã tăng lên 33.600 tấn. Đáng phấn khởi hơn là tỷ lệ tôm bị thiệt hại giảm mạnh.  Năm 2019 chỉ có khoảng 8% diện tích tôm bị thiệt hại. Cùng với việc trồng lúa trên nền tôm giúp cải tạo môi trường sinh thái để tôm phát triển bền vững, nông dân Sóc Trăng còn ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.  

Ông Đào Đắc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên cho biết thêm, Mỹ Xuyên đang xây dựng đề án “lúa thơm tôm sạch”. Đặc biệt huyện Mỹ Xuyên sẽ khai thác và đưa những dòng lúa ST đặc sản của tỉnh vào canh tác. Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng tuyến đường trục từ trung tâm thành phố Sóc Trăng về vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa Mỹ Xuyên, với kinh phí gần 1.200 tỷ đồng; qua đó sẽ góp phần đưa kinh tế-xã hội của các xã vùng tôm - lúa ngày càng phát triển.

Ông Đào Đắc Hùng chia sẻ, mới đây, dòng lúa ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Vậy tại sao chúng ta không quy hoạch vùng tôm-lúa Mỹ Xuyên để trở thành vùng nguyên liệu. Theo ông Hùng, nếu các chủ trương, chính sách được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả, có thể toàn bộ 10.000 ha vùng tôm - lúa (huyện Mỹ Xuyên) sẽ khoác lên mình "bộ áo" của sự phát triển bền vững.

Những ngày cuối năm, về vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên, chúng tôi được chứng kiến sự thay da đổi thịt nhanh chóng của các xã nơi đây. Trên các cánh đồng, màu vàng óng của cây lúa chờ ngày thu hoạch như điểm tô cho sự phát triển ở vùng quê tôm - lúa. Cũng nhờ hiệu quả mô hình "con tôm ôm cây lúa", huyện Mỹ Xuyên được tỉnh Sóc Trăng chọn là huyện điểm nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, các xã trên địa bàn huyện đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Mỹ Xuyên đang được tỉnh đề nghị Trung ương xét công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. 

Qua hàng chục năm, mô hình tôm - lúa của nông dân Mỹ Xuyên đã được các nhà khoa học đánh giá là mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Hy vọng, với sự quan tâm và định hướng trong việc duy trì, phát triển mô hình tôm - lúa của các cấp, ngành trong tỉnh, nông dân Sóc Trăng nói chung, người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sẽ có hướng đi mới, hiệu quả, thực tế hơn trong tương lai để thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn./.

Chanh Đa

BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm