Ứng dụng khoa học để cây hồi phát triển bền vững

Ứng dụng khoa học để cây hồi phát triển bền vững
Tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 36.000 ha hồi, tập trung chủ yếu ở các huyện như Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Cao Lộc... Trước đây, cây hồi không được người dân chăm sóc mà để phát triển tự nhiên, do vậy trong quá trình sinh trưởng và phát triển cây hồi chủ yếu dựa vào tự nhiên nên năng suất thấp, kém chất lượng.

Người dân xã Xuân Mai, huyện Văn Quan vệ sinh rừng hồi sau thu hoạch. Ảnh: baolangson.vn
Người dân xã Xuân Mai, huyện Văn Quan vệ sinh rừng hồi sau thu hoạch.
Ảnh: baolangson.vn

Ông Hoàng Văn Đẩy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn cho biết: từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã triển khai mô hình thâm canh cây hồi bền vững với quy mô 10 ha tại huyện Văn Quan. Dự án nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong thâm canh gồm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái. Qua 3 năm thực hiện, mô hình đã giúp người nông dân tiếp cận và thực hành đúng quy trình thâm canh do vậy cây hồi đã sinh trưởng tốt, hoa trái vụ rụng ít, tỷ lệ đậu quả tăng cao.

Qua nghiên cứu cho thấy khâu chọn giống là quan trọng, do vậy Trung tâm đã chọn cây mẹ có tiểu sử sai quả, có lá dày màu xanh đậm và nõn màu xanh, khi trồng nên đảm bảo mật độ cây cách cây 5 m tương đương 380 - 400 cây/ha. Trong quá trình cây hồi phát triển, cho thu hoạch rất cần chăm sóc đúng kỹ thuật. Trước hết cần vệ sinh rừng hồi bằng cách tỉa cành đổ gãy, nhiễm sâu bệnh, sau đó dọn sạch thực bì xung quanh cây hồi để cây có không gian tạo tán khi bắt đầu lên 3 tuổi.

Cây hồi mới trồng cần được chăm sóc trong 5 năm liền, mỗi năm chăm sóc 1 hoặc 2 lần gồm phát thực bì, phát dây leo và cỏ dại xâm lấn, xới gốc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân. Đối với cây hồi bắt đầu cho quả, cần kết hợp chăm sóc và tỉa cành. Khi cây hồi trồng từ năm thứ 6 trở đi cần tiến hành nuôi dưỡng chăm sóc 2 lần/năm. Với rừng hồi già, lâu năm cần phục tráng bằng cách tỉa thưa, tỉa cành, tạo tán, trồng bổ sung hoặc thay thế, chăm sóc.

Để cây hồi sai quả, người dân cần bón phân NPK và phân chuồng cho cây 3 đợt trong một năm. Đợt một vào tháng 2, 3 Dương lịch, trước khi cây ra hoa; đợt hai khi quả non hình thành vào tháng 7, 8 Dương lịch và đợt ba vào lúc sau thu hoạch là tháng 10 và tháng 11 Dương lịch. Cùng với bón phân dưới gốc thì kết hợp dùng máy phun phân sinh học lên lá vào thời kỳ trước lúc cây ra hoa rộ và hình thành quả non. Trong quá trình cây hồi sinh trưởng bà con nông dân nên thăm rừng thường xuyên. Khi phát hiện các loại sâu, bệnh như bọ ánh kim, sâu đục nõn, nấm cành lá… gây hại cần tiến hành phun kịp thời các thuốc đặc trị.

Thời điểm thu hoạch hồi tốt nhất vào tháng 3, 4, 8, 9 Dương lịch. Khi thu hái nên dùng tay hoặc móc hái từng quả, tuyệt đối không được bẻ cành, làm ảnh hưởng đến quả của vụ sau. Với cây cho thu hoạch, sau thu hái cũng cần dọn sạch thực bì, bỏ cành, lá rơi rụng và cỏ rác ra khỏi rừng hồi.

Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học trong trồng, chăm sóc mà chất lượng rừng hồi, năng suất hồi đạt kết quả vượt trội so với cách thâm canh truyền thống dựa vào yếu tố thiên nhiên. 100% diện tích rừng hồi áp dụng quy trình khoa học sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại. do vậy năng suất của cây hồi đạt từ 2,5 đến hơn 3 tạ/ha, trung bình tăng khoảng 0,5tạ/ha. Thậm chí nhiều hộ gia đình đã cho năng suất tăng gần gấp đôi so với cách trồng tự nhiên trước đây.

Ông Chu Văn Tiếp, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, một trong những hộ gia đình tham gia mô hình phấn khởi cho biết: "Từ trước đến nay, gia đình tôi chỉ trồng và thu hái hoa hồi theo kinh nghiệm và để rừng hồi phát triển tự nhiên. Sau khi được tập huấn kỹ thuật thâm canh hồi bền vững, chúng tôi mới biết việc áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật cây hồi còn cho năng suất, chất lượng cao hơn. Qua áp dụng các kỹ thuật này đối với rừng hồi, tôi nhận thấy cây hồi phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh hơn hẳn; lá cây luôn xanh đậm, hoa nở với kích thước đồng đều, cây không còn bị rụng hoa và rụng quả, cây nào cũng sai quả. Vụ hồi năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 3,5 tấn quả/ha, tăng gấp đôi so với trước".

Trước đó, từ năm 2010 - 2013, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện đề tài khoa học cấp bộ mang tên “Hợp tác nghiên cứu cải tạo rừng hồi năng suất thấp và ứng dụng kỹ thuật chế biến sản phẩm hồi tại Lạng Sơn”, với các chuyên đề là đánh giá bổ sung thực trạng rừng hồi của Lạng Sơn. Nhân giống hồi bằng phương pháp ghép, nghiên cứu sự ảnh hưởng của sử dụng chế phẩm sinh học đến năng suất hồi, các biện pháp cải tạo rừng hồi, quy trình chưng cất tinh dầu hồi đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Sau khi nghiên cứu thành công trên quy mô 20 ha đã cho năng suất của cây hồi tăng 30% so với đối chứng.

Cây hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược lâu dài, là nguồn hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Lạng Sơn. Do vậy việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nuôi trồng… là việc làm thiết thực, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đồng thời đây cũng là biện phấp hữu hiệu nhằm phát triển bền vững loài cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, đa tác dụng, xứng đáng với tiềm năng vốn có của nó.
Thái Thuần

Có thể bạn quan tâm