Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản theo công nghệ cao của anh Trương Quang Bôn

Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản theo công nghệ cao của anh Trương Quang Bôn
Giống dưa Kiro của Nhật Bản được trồng tại nhà màng của anh Bôn. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
 Giống dưa Kiro của Nhật Bản được trồng tại nhà màng của anh Bôn.
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Từng tốt nghiệp đại học tại Tp. Hồ Chí Minh và có một công việc ổn định nhưng năm 2019 anh Trương Quang Bôn lại quyết định quay trở về Ninh Thuận để khởi nghiệp với quyết tâm trở thành một trong những người đi đầu phát triển sản phẩm dưa lưới Nhật Bản chất lượng cao ở Ninh Thuận.

Chia sẻ về ý tưởng trồng dưa lưới, anh Bôn cho hay, nhu cầu của người tiêu dùng là được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, giá cả hợp lý. Nắm bắt xu hướng đó cộng với sự hứng thú từ lâu với các giống dưa lưới của Nhật Bản bởi độ ngọt, thơm ngon nên anh quyết định huy động nguồn vốn từ gia đình, bạn bè để mở trang trại trồng dưa lưới bằng nông nghiệp công nghệ cao.

Sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật trồng cây dưa lưới cũng như khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu, anh Bôn tiến hành xây dựng khu vực nhà màng rộng gần 5 sào ( 5.000 m2) với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 1,9 tỷ đồng. Đến tháng 10/2019, anh Bôn bắt đầu gieo trồng những hạt giống dưa lưới TL3, Taki, Kiro (dưa Thần Tài) cao cấp của Nhật Bản đầu tiên.

Với mỗi 1.000 m2 nhà màng, anh Bôn trồng 2.500 chậu dưa lưới. Mỗi cây dưa lưới ở trang trại được trồng riêng trong từng chậu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với các vi sinh vật có hại trong đất. Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa.
 
Sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng của anh Trương Quang Bôn (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng của anh Trương Quang Bôn (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, anh Bôn đưa hàng nghìn con ong ruồi vào thụ phấn, sau khi thụ phấn ra trái mỗi cây chỉ giữ lại một trái để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái cũng như phòng tránh dịch bệnh.

“Mình vừa làm vừa hoàn thiện quy trình chăm sóc và nhận thấy khí hậu khô nóng ở Ninh Thuận rất thích hợp cho cây dưa lưới phát triển, trái có độ thơm ngon và ngọt thanh. Nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên trái dưa lớn nhanh, giúp trái có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều. Trang trại chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng”, anh Bôn chia sẻ.
 
Dưa lưới trồng trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
 Dưa lưới trồng trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Dưa lưới từ lúc trồng đến khi trái đạt trọng lượng từ 1,4 – 1,8 kg bắt đầu thu hoạch, một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60 – 70 ngày, có thể sản xuất được 4 vụ/năm. Vừa qua, anh Bôn thu hoạch vụ dưa lưới đầu tiên, mỗi sào dưa lưới (1.000 m2) cho sản lượng bình quân 3,5 tấn trái. Với giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh Bôn có lãi gần 300 triệu đồng/vụ. Hiện sản phẩm dưa lưới được các cửa hàng, siêu thị tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Từ những kết quả khả quan ban đầu, anh Bôn đang lên kế hoạch mở rộng thêm trang trại để sản xuất thêm nhiều sản lượng dưa lưới an toàn. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Bôn còn tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, nông dân ở Ninh Thuận và các tỉnh, thành khác muốn học hỏi kinh nghiệm, có vốn và mong muốn đầu tư, trang trại luôn sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật trồng và liên kết sản xuất.

Đánh giá về mô hình trồng dưa lưới, ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cho biết, đối với Ninh Thuận đây là mô hình trồng dưa lưới đầu tiên trên địa bàn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình là một tín hiệu tốt về chuyển dịch trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất canh tác, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, mở ra triển vọng mới về phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương.

Tỉnh Ninh Thuận hiện đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các cá nhân, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong đó ưu tiên phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Do đó, ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm đến cây dưa lưới Nhật Bản, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với chủ trang trại chuyển giao kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết sản xuất dưa lưới với các hộ dân trên địa bàn để giúp bà con phát triển kinh tế.
 
Nguyễn Thành
TTXVN

Có thể bạn quan tâm