Cây đào nâng cao đời sống người dân Yên Bái

Cây đào nâng cao đời sống người dân Yên Bái
Cây đào góp phần tăng nguồn thu nhập. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Cây đào góp phần tăng nguồn thu nhập. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn là một trong những địa phương có diện tích đào trồng tập trung lớn của tỉnh Yên Bái. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề, bà con nơi đây nhà nào cũng rục rịch ra vườn chuẩn bị đào cho khách. Không khí một vùng quê trở nên tất bật hơn bao giờ hết và những nụ đào hé nở báo hiệu một mùa xuân đang về. Gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở khu 7 thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, có hơn 200 gốc đào trồng được gần 10 năm nay. Vào những ngày giáp Tết, hai vợ chồng anh hối hả chăm sóc đào, năm nay thời tiết ít mưa hơn nên phải tưới nước cho từng cây đào để đảm bảo đào ra hoa đều. Anh Nam chia sẻ, trồng đào không khó, quan trọng nhất là phải bấm tỉa cây đẹp và tuốt lá đúng thời điểm để đào ra hoa vào đúng dịp Tết. Đến nay, các thương lái đã đến khảo sát và đặt hàng trước, từ 20 tháng chạp trở đi nhà anh bận tối mắt để cắt đào cho khách. Chủ yếu gia đình anh bán cành, trung bình mỗi cành có giá từ 200.000 – 300.000 đồng. So với năm ngoái thì năm nay đào ra nụ đều hơn và nở vào đúng dịp Tết. Cũng giống như gia đình anh Nam, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, ở khu 7 trồng 50 gốc đào, chủ yếu là đào bích và đào phai. Theo bà Hiền, trồng đào không mất nhiều công chăm sóc, cho thu nhập khá ổn định, chỉ bận mỗi lúc vào vụ; với số lượng đào trên năm nay bà ước tính thu được khoảng 30 triệu đồng. Theo bà Hiền, có những hộ trồng nhiều còn thu về cả trăm triệu. Ngoài các hộ trồng đào, những hộ kinh doanh đào cũng đang bận rộn với việc thu gom đào. Những ngày này, nhà anh Bùi Đức Thịnh, tổ 8, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ tấp nập khách đến mua đào. Vài năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của người dân chơi đào rừng cao nên anh chuyển hướng sang buôn đào rừng. Hàng năm, vào giữa năm, anh đã đi khảo sát đào rừng của người Mông ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái), đến khoảng tháng 10 âm lịch đặt tiền cho chủ vườn và từ gửa tháng 12 âm lịch là thuê người dân cắt cành, vận chuyển về nhà anh để các thương lái đến mua. Anh Thịnh cho biết, năm nay nhu cầu của người dân chơi đào rừng rất cao, chủ yếu là khách ở miền xuôi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…; có ngày cao điểm anh xuất bán hơn 200 cành đào rừng, các thương lái đến tận nhà thu mua nên anh cũng không mất nhiều chi phí vận chuyển. Sở dĩ đào rừng thu hút người dân là do hoa có màu hồng nhạt mang vẻ đẹp thuần khiết, cộng với thân cành được đắp lên những cây rêu xanh xù xì trông rất mộc mạc, hấp dẫn. Trung bình mỗi cành đào rừng có giá từ 2 - 5 triệu đồng, cành thấp nhất khoảng 1 triệu đồng và cao nhất lên tới 50 triệu đồng. Còn tại nhà vườn Anh Đức, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn có 1.200 gốc đào phai và đào bích, thời điểm này nhà vườn cũng đang bận rộn phục vụ đào cho khách. Những ngày cận Tết, nhà vườn phải thuê thêm 4 - 5 người để cắt tỉa cây và chuyển cây cho khách, chủ yếu phục vụ khách trong tỉnh. Mỗi cây đào có giá từ 1 đến 10 triệu đồng, ngoài việc bán cây, nhà vườn cũng cho thuê đào chơi Tết khi khách có nhu cầu. Đến nay, đã 5 năm kinh nghiệm làm nhà vườn, nên việc chăm sóc đào cũng đơn giản hơn, trung bình mỗi năm thu lợi nhuận được khoảng 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ là địa phương có diện tích đào trồng tập trung lớn của huyện. Hiện thị trấn có khoảng 50 hộ trồng đào, các hộ gia đình ở đây nhận thấy trồng đào đem lại hiệu quả nên chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng đào. Để tránh rủi ro, các hộ gia đình cũng không mở rộng thêm diện tích và không trồng tràn lan, mà chỉ tập trung vào một khu. Đến nay, nhiều hộ gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ đào, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm