Xây dựng thương hiệu cho dược liệu Lào Cai

Xây dựng thương hiệu cho dược liệu Lào Cai
Nhiều năm trở lại đây, cây dược liệu được bà con nông dân Lào Cai coi là loại cây trồng hái ra vàng, cho thu nhập cao mở ra cơ hội thoát nghèo và làm vươn lên xóa nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trước tình hình đó, Lào Cai đã ban hành nhiều đề án nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư phát triển dược liệu.
 Hiệu quả lớn

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 01 về tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, tập trung khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương và dược liệu được coi là cây trồng mũi nhọn.

Với xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng được ưu tiên ở các nước phát triển, Lào Cai xác định đây là cây trồng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất 1 vụ, đem lại giá trị kinh tế cao, nên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương từng bước khôi phục, phát triển các loài cây dược liệu như: giảo cổ lam, chè dây, đẳng sâm, ý dĩ, bạch truật, độc hoạt, sa nhân tím, atiso, đương quy, xuyên khung, tam thất, nhóm cây thuốc tắm của người Dao đỏ

Bắc Hà là một trong những địa phương tích cực khuyến khích các xã có điều kiện thích hợp chuyển đổi các diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu và đã thu được nhiều thành quả trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Xã vùng cao Bản Già có 234 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, có đến 175 hộ thuộc diện nghèo. Từ năm 2016, theo chủ trương của huyện, xã Bản Già được quy hoạch trồng dược liệu đương quy, với diện tích hơn 4 ha. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, được chăm sóc chu đáo, nên cây dược liệu đương quy phát triển khá tốt, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với sản xuất ngô, lúa.
 
Cán bộ khuyến nông phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân xã Lùng Phinh, Bắc Hà chăm sóc cây dược liệu Atiso. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Cán bộ khuyến nông phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân xã Lùng Phinh, Bắc Hà chăm sóc cây dược liệu Atiso. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Tương tự, xã Lùng Phình - một trong 8 xã vùng cao nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu giống của huyện Bắc Hà, hiện đã đưa vào trồng 4 loại cây dược liệu chính là: atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh. Cây dược liệu trồng tại đây tỏ ra khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi ha cây dược liệu tại Lùng Phình cho thu từ 80 - 200 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hộ dân trồng dược liệu ở đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm 2019 là năm người dân trồng dược liệu Bắc Hà tiếp tục được hỗ trợ một phần với diện tích khoảng 50 ha theo chương trình dự án "Phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016 – 2019" trên địa bàn và đã cơ bản đảm bảo đầu ra ổn định cho các diện tích sản xuất theo kế hoạch. Doanh nghiệp và nhân dân tự đầu tư khoảng 40 ha. Các hộ dân tham gia đã vào cuộc tích cực, nắm bắt được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả thu hoạch, nhiều hộ dân đã có thu nhập tương đối cao trung bình từ 50 – 60 triệu đồng trở lên, trong đó có nhiều hộ thu trên 100 triệu đồng…

Ông Nguyễn Tiến Hồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, cho biết, vụ Xuân năm 2020, huyện Bắc Hà tiếp tục triển khai trồng 105ha cây dược liệu; trong đó, nhà nước hỗ trợ 38 ha, nhân dân và doanh nghiệp tự trồng 67 ha, chủ yếu là 2 loại dược liệu đương quy và cát cánh.

Đến hết năm 2019, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 1.815ha (tăng 21% so với cùng kỳ), sản lượng 52.500 tấn, gồm sản lượng các loại dược liệu gieo trồng 8.272 tấn, còn lại là sản lượng các loại dược liệu dưới tán rừng; và thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng đến 240 triệu đồng/ha, cá biệt một số loại dược liệu đạt trên 600 triệu đồng/ha.

Khuyến khích đầu tư

Đến nay, Lào Cai có 4 loại cây dược liệu được sản xuất tập trung (atiso sản xuất tại huyện Sa Pa; chè dây thu hái tại huyện Sa Pa, huyện Bát Xát; cây đương quy sản xuất tại Bắc Hà, cây xuyên khung sản xuất tại Bát Xát) đã được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP - WHO).

Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 10 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia liên kết sản xuất thu mua sản phẩm dược liệu, hằng năm thu mua trên 3.000 tấn sản phẩm các loại... Mối liên kết trong sản xuất dược liệu từng bước được hình thành, vùng sản xuất dược liệu đã ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhận thức điều đó, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tập trung phát triển cây dược liệu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn.

Theo đó, đến năm 2030 Lào Cai phấn đấu có 3.500 ha cây dược liệu và tập trung phát triển 22 chủng loại dược liệu chính, sản lượng khoảng trên 11.000 tấn/năm; định hướng phát triển mở rộng vùng trồng dược liệu, cung cấp nguyên liệu dược cho các công ty, tập đoàn chế biến dược trong nước.

Trước đó, nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư phát triển dược liệu, UBND tỉnh Lào Cai cũng ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND quy định nguyên tắc xác định và danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019 - 2020. Các sản phẩm dược liệu (đương quy, xuyên khung, cát cánh, đẳng sâm, tam thất, ý dĩ, atiso, sa nhân tím) được đưa vào danh mục cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương trong năm 2020 tiếp tục chuyển đổi linh hoạt đất nông nghiệp (đất trồng ngô, trồng cây hàng năm, một phần đất rừng trồng sản xuất) sang phát triển cây dược liệu, phát triển mạnh dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ tài nguyên rừng và tạo sinh kế cho cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, các Viện nghiên cứu... để sản xuất giống dược liệu, chủ động cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, từ định hướng quy hoạch của tỉnh và yêu cầu của thị trường, các địa phương cần rà soát xác định chi tiết vùng trồng, xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu có thế mạnh; chú trọng phát triển dược liệu dưới tán rừng; từng bước xây dựng vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP - WHO; chú trọng việc hợp tác giữa các địa phương, các tỉnh trong khu vực cùng liên kết tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu dược lớn, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế chế biến đến phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh cây dược liệu đăng ký mã số, mã vạch để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu gắn với thực hiện mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm mang đặc trưng Lào Cai.

Hương Thu
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm