Cây tra - Sức sống xanh nơi trùng khơi

Cây tra - Sức sống xanh nơi trùng khơi
Quả tra được xem như món ăn chơi, được chiến sĩ mang đãi khách bởi nó mang dư vị của biển. Ảnh: Võ Văn Dũng-TTXVN
Quả tra được xem như món ăn chơi, được chiến sĩ mang đãi khách bởi nó mang dư vị của biển. Ảnh: Võ Văn Dũng-TTXVN

Cây tra là giống cây gỗ, có nguồn gốc từ Trung Mỹ, cây cao tầm khoảng từ 10-20 mét, có nhiều tán, tỏa rộng uốn cong, trên những tán cây lại mọc ra các nhành nhỏ đầy lá, vươn mình hướng ra nắng. Vỏ cây xù xì cứng ráp, thân cây to, không mọc theo hướng thẳng đứng mà oằn mình sát xuống mặt đất. Lá cây tra mọc um tùm, chen nhau theo tầng lớp, kết thành tán lá dày.

Đại úy Trịnh Văn Tâm (công tác trên đảo Phan Vinh A) cho hay, tra là loại cây trồng phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa. Trên đảo có những cây lớn, tán rộng khoảng 5-6 mét, ôm lấy một mái nhà. Sau những giờ thao trường nóng bức, các chiến sĩ lại chọn ngồi dưới cây tra để hóng gió. Tuy cây tra ít nổi tiếng bằng  cây bàng vuông, cây phong ba nhưng trên đảo Phan Vinh nó là cây trồng chủ đạo và hữu ích.

Quả tra được xem như món ăn chơi, được chiến sĩ mang đãi khách bởi nó mang dư vị của biển. Ảnh: Võ Văn Dũng-TTXVN
Quả tra được xem như món ăn chơi, được chiến sĩ mang đãi khách bởi nó mang dư vị của biển. Ảnh: Võ Văn Dũng-TTXVN

Mặc dù cây tra có sức sống mãnh liệt, tuy nhiên khi mới trồng, các chiến sĩ phải chăm sóc cẩn thận, tiết kiệm nước sinh hoạt để luân phiên tưới. Chiến sĩ Hoàng Minh Sơn (chiến sĩ trên đảo Phan Vinh A) chia sẻ, khi mới trồng cây tra con, ngày nào em cũng đều đặn tưới nước. Mỗi lần có gió to, bão lớn em phải cắm hàng rào, rồi dùng bao tải quây kín cây, ngăn cho cây tránh bị gió quật ngã.

Cây tra có lá màu xanh tựa màu lá bàng, nhưng nhỏ và dày hơn, phiến phía dưới có màu tím hồng. Đặc biệt, lá tra còn là loại "rau xanh" tươi sống luôn có mặt trong mọi bữa cơm của lính đảo. Lá tra thường được ăn kèm với thịt luộc, cá hấp… cuốn lại, rồi chấm với nước mắm tỏi ớt. Sau khi ăn cảm thấy có vị chát, chua xen lẫn vị ngọt của thịt thấm đượm hương quê.

Quả tra thường được đem ngâm đường, đậy kín tạo thành si rô có vị thơm, ngọt của nho và vị mặn của biển. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
Quả tra thường được đem ngâm đường, đậy kín tạo thành si rô có vị thơm, ngọt của nho và vị mặn của biển. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
Hoa tra khi bung nở như những bông tuyết trắng xóa, nổi bật giữa màu xanh của lá. Từ những bông hoa trắng tinh khôi đó, sẽ kết trái thành quả tra. Quả tra mọc theo từng chuỗi, quả to như đầu ngón tay út của người trưởng thành, lúc chưa chín quả có màu xanh non như những hạt ngọc xanh. Khi chín, quả có màu đỏ đậm tựa màu của quả cà phê chín.

Cây tra có tán rộng, thân cây sù sì, lá dày nhỏ bằng nữa lá bàng. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
Cây tra có tán rộng, thân cây sù sì, lá dày nhỏ bằng nữa lá bàng.
Ảnh: Văn Dũng – TTXVN

Lần đầu nếm thử quả tra chín, mọi người sẽ khó có thể quên được dư vị của nó, chị Lê Phương Thanh (phóng viên báo Phú Thọ) cho hay, khi ăn mùi thơm đặc trưng của tra thoảng lên. Đặc biệt quả tra có vị rất lạ vừa kết hợp giữa vị ngọt thanh, xen lẫn vị mặn nhạt của biển. Đến mùa tra chín, các chiến sĩ lại "đua" cùng với những chú chim ăn quả, cẩn thận hái những quả tra chín, sau đó để vào bình thủy tinh, ngâm cùng với đường, đậy chặt kín, trong thời gian ngắn bình tra sẽ thành nước siro, còn quả thì thành mứt. 

Vào dịp có khách đến thăm đảo, các chiến sĩ lại đon đả đem bình si rô tra ra đãi khách, thưởng thức đặc sản nơi trùng khơi biển cả. Bên ly trà thơm, nhâm nhi mứt tra, các vị khách có thể cảm nhận được hương thơm, vị ngọt của biển. Trong ngày tết, bên mâm ngũ quả cùng với những trái cây mang ra từ đất liền, quả tra cũng được đặt trên mâm với ý nghĩa sung túc, sinh sôi phát triển.

Hoa tra trắng tinh khôi bung mình kết trái. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
Hoa tra trắng tinh khôi bung mình kết trái. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN

Cây tra như là lớp áo khoác xanh, bao phủ quanh đảo Phan Vinh A, che chở bảo vệ đảo khỏi sóng, gió, cát và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Cây tra trên đảo sừng sững như những người lính ngày đêm canh giữ, bảo vệ cho cột mốc chủ quyền ở trùng khơi. Cây như biểu tượng của sức sống xanh nơi đầu sóng gió.
Võ Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm