Dịch COVID-19: Bảo đảm tiến độ năm học

Dịch COVID-19: Bảo đảm tiến độ năm học
Điều chỉnh nội dung dạy học ở bậc phổ thông ở học kỳ 2 năm học 2019-2020

Chiều 31-3-2020, Bộ GD & ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học ở bậc phổ thông ở học kỳ 2 năm học 2019-2020. Theo đó có 3 cách điều chỉnh được áp dụng ở hầu hết tất cả các môn: Thứ nhất, không dạy một số môn, những bài học mang tính lý thuyết được giảm hẳn không thực hiện trên lớp. Thứ hai, khuyến khích học sinh học sinh tự đọc, tự làm: những nội dung không dạy trên lớp nhưng giáo viên giáo viên nên khuyến khích học sinh đọc thêm. Thứ ba là yêu cầu tự học có hướng dẫn.

Việc hướng dẫn học sinh có 2 dạng: hướng dẫn tích hợp, kết hợp các bài có cùng nội dung; và giảm nội dung trong 1 bài để giảm thời lượng. Ngoài ra, giảm một số nội dung trùng lặp trong một cấp và giữa các cấp.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh yêu cầu: "Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu "không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học".

Theo Bộ GD&ĐT, nội dung các bài dạy qua internet, dạy học trên truyền hình cũng căn cứ vào hướng dẫn điều chỉnh này để xây dựng bài giảng. Cụ thể:

Tinh giản bậc trung học

Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh CCOVID-19, để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học, Bộ GD&ĐT  yêu cầu các sở thực hiện điều chỉnh nội dung dạy các môn học để phù hợp với thời gian của năm học 2019-2020.

Đối với các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, không kiểm tra, đánh giá những nội dung kiến thức đã tinh giản theo công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 1-9-2011 và các nội dung "Không dạy", "Không làm", "Không thực hiện", "Khuyến khích học sinh tự học" theo hướng dẫn của công văn mới này.

Tinh giản bậc tiểu học

Hướng dẫn tinh giản bậc tiểu học được Bộ GD&ĐT xây dựng cụ thể cho từng môn học của từng lớp học từ lớp 1 đến lớp 5. Theo đó, có 9 môn học từ lớp 1 đến lớp 5 được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Toán; Tiếng Việt; Khoa học; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Âm nhạc; Thủ công/Kỹ thuật; Thể dục. Việc tinh giản được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần dạy học của chương trình, để đảm bảo các nhà trường thuận lợi trong triển khai việc thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.

Các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; chỉ tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao. Một số nội dung, yêu cầu trong bài học được giảm tải; một số bài học được chuyển thành bài tự chọn, bài tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học; các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề được ghép thành một bài học theo chủ đề.

Nhiều trường đại học dạy online

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về chủ động triển khai các phương thức đào tạo từ xa để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều trường đại  học đã chính thức bắt đầu học kỳ II của năm học 2019-2020 với việc dạy học online.

TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (HCMUTE) cho biết: Mặc dù, một số khoa của trường đã triển khai dạy học online khi dịch bệnh COVID-19 mới xảy ra nhưng việc triển khai giữa các đơn vị không đồng đều nên trường điều chỉnh thời gian bắt đầu học kỳ II của năm học 2019-2020 từ ngày 30-3 và kết thúc trong khoảng 15 tuần.

Tương tự, để kịp tiến độ năm học 2019-2020, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh (HUFLIT) cũng triển khai dạy học online. TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách HUFLIT cho biết: Nhà trường đã đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc dạy online, đồng thời mua bản quyền một số phần mềm như Zoom… để bảo đảm học kỳ II của năm học được hoàn tất đúng tiến độ vào tháng 8-2020.

Trường Đại học Hoa Sen (HSU) cũng đã bắt đầu học kỳ II từ ngày 23-3 theo hình thức dạy học online. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng HSU, việc dạy học online tại trường được triển khai theo mô hình VLA (Videoconferecing + LCMS + Accreditation) gồm có 3 bước: Bước 1: GV, SV tương tác qua hệ thống Videoconferencing do nhà trường đầu tư phát triển. Hệ thống cho phép sử dụng webcam, micro và chia sẻ màn hình, làm việc nhóm đồng thời vài nghìn người. Bước 2: GV, SV tương tác qua hệ thống mlearning (LCMS). Thông qua hệ thống mlearning, SV thảo luận, đọc tài liệu, làm bài tập và các hoạt động khác như quiz, glossary, wiki, workshop... và GV cho phản hồi. Bước 3: Các phòng ban chức năng thực hiện công tác chấm công, kiểm định và bảo đảm chất lượng (Accreditation).

Tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (HCMUE), học kỳ II của năm học 2019-2020 bắt đầu từ 16-3 với hình thức dạy học online. Theo ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo HCMUE, việc triển khai dạy học online cũng gặp một số khó khăn nhất định do đa số GV chưa chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng, đồng thời các yếu tố về cơ sở vật chất, điều kiện về công nghệ thông tin và một số tài liệu học thuật bằng giấy… Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của GV, SV toàn trường nên những khó khăn cũng dần dần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, HCMUE có lợi thế về đội ngũ chuyên gia về E-Learning rất mạnh nên kịp thời hỗ trợ kỹ thuật dạy học online cho GV các khoa. Khi SV đi học tập trung trở lại sẽ học một số môn thực hành. Đồng thời việc kiểm tra đánh giá cuối kỳ cũng sẽ làm trực tiếp” - ThS Lê Phan Quốc chia sẻ.

Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), học kỳ II bắt đầu từ tháng 12-2019 nên khi dịch COVID-19 xảy ra trường chuyển sang hình thực dạy học online từ 10-2-2020 tới nay.
 
Diệp Ninh

Có thể bạn quan tâm